Đường Vành đai 3 dài 76km, đi qua các tỉnh, thành: Long An, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Hiện tỉnh Bình Dương đã làm xong gần 30km đi qua tỉnh này
Hạ tầng giao thông phải là đột phá chiến lược
Chịu tổn thương nặng nề trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, TP.HCM đã có một năm tăng trưởng âm với tỷ lệ giảm GRDP năm 2021 lên tới 6,78%. Tuy nhiên, chỉ sau quý I/2022, TP.HCM đã nhanh chóng phục hồi với mức tăng trưởng GRDP 1,88%.
TP.HCM đã lấy lại ngôi vị “quán quân” xuất khẩu của cả nước từ tay Bắc Ninh khi TP thu về gần 9 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2022.
Với sự phục hồi mạnh mẽ, TP.HCM đang ghi dấu ấn là thành phố năng động nhất trong khu vực. Đến thời điểm này, đời sống kinh tế – xã hội TP đang dần khởi sắc và trở lại hoạt động bình thường.
Trong quý I và II, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP chắc chắn chưa thể bứt phá được vì cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng cao.
Nhưng từ quý III trở đi tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP sẽ thể hiện sự bứt phá. 6 tháng đầu năm là giai đoạn TP phục hồi, 6 tháng cuối năm mới có thể tăng tốc được.
Tại Hội nghị Tổng kết tình hình kinh tế – xã hội quý I và đề ra kế hoạch cho quý II/2022, TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp để phục hồi chuỗi sản xuất và cung ứng, các giải pháp có tính động lực có tác dụng làm lực đẩy cho nền kinh tế như: Kiểm soát giá cả, duy trì xuất khẩu, phục hồi du lịch, cải cách hành chính, chuyển đổi số…
Trong bối cảnh đó, TP.HCM cần có những cú đột phá mạnh mẽ để làm cho nền kinh tế chuyển động nhanh, mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Nhưng đột phá ở lĩnh vực nào? Xác định đúng là điều quan trọng nhất. Bởi chúng ta thiếu vốn, kỹ thuật và nhân lực trình độ cao, không thể đầu tư kiểu “rải mành mành”.
Có ý kiến cho rằng, cần đột phá vào thể chế, ý kiến khác chỉ ra là nguồn nhân lực, ý kiến khác nữa là chuyển đổi số, hoặc là du lịch.
Tất cả đều đúng, nhưng đó là chuyện chiến lược lâu dài, cần có thời gian và rất nhiều điều kiện hỗ trợ khác quan trọng kèm theo.
Trong khi đột phá thì cần tập trung hầu như toàn bộ lực vào một vài điểm trong thời gian ngắn để tạo ra cú hích mang tính cách mạng, thúc đẩy sự chuyển động.
Tôi cho rằng, lúc này đột phá vào giao thông là đúng nhất và cần kíp nhất. Tại sao vậy?
Trước Tết, hàng nghìn xe tải, xe container bị ách tắc nhiều cây số, nhiều giờ, nhiều ngày trên Xa lộ Hà Nội. Sau Tết, người dân miền Tây trở lại TP.HCM bị nghẽn ở cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận và các cửa ngõ ra vào thành phố ở tất cả các hướng Nam, Tây Bắc, Đông Bắc, Đông Nam.
Hình ảnh đó diễn ra nhiều năm nay, cho thấy bức tranh giao thông ở Nam bộ nói chung, Đông Nam bộ và nhất là TP.HCM nói riêng luôn trong tình trạng “vừa thiếu, vừa yếu vừa bất hợp lý”.
Năm 2022 này, TP.HCM muốn tăng trưởng dương, kỳ vọng là 6%, bắt buộc phải tập trung đột phá vào cơ sở hạ tầng giao thông. Năm ngoái, nguồn vốn đầu tư công chưa đến 30.000 tỷ đồng, năm nay là 43.000 tỷ đồng, do đó phải tập trung tháo gỡ những ách tắc để giải ngân nhanh.
Số liệu thống kê cho thấy cứ tăng thêm 10% đầu tư công thì GDP của TP sẽ tăng thêm khoảng 0,8%.
Những công trình nào sẽ tạo ra cú hích?
Trước hết là phải nhanh chóng khép kín đường Vành đai 2. Con đường này dài 64km nhưng còn 2 đoạn dở dang dài 14km (đoạn từ Gò Dưa đến cầu Phú Hữu dài 8,5km và đoạn từ cao tốc Trung Lương nối vào QL1A dài 5,3km).
Đường Vành đai 2 hoàn thành sẽ đưa đến sự thay đổi rất lớn cho toàn bộ bức tranh giao thông của TP.HCM, nối tất cả các quận lại với nhau, hàng hóa lưu chuyển sẽ không bị đứt đoạn do ùn tắc.
Đặc biệt là xe tải, xe kéo container, xe siêu trường siêu trọng không phải đi qua nội thành để xuống miền Tây hay đi lên phía Tây Bắc, Đông Bắc.
Vận tải hành khách, hàng hóa với khối lượng lớn, tốc độ cao, an toàn chắc chắn sẽ giúp sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh và hiệu quả cao. Kinh phí để khép kín đường Vành đai 2 đã được bố trí 9.000 tỷ đồng, sẽ giúp tiêu thụ một lượng vật liệu xây dựng và tạo ra công ăn việc làm.
Kế đó là đường Vành đai 3. Đường vành đai 3 là dự án trọng điểm quốc gia, Quốc hội đã phê duyệt và HĐND TP.HCM cũng đã có nghị quyết thực hiện.
Đây là con đường dài hơn 76km, đi qua 4 tỉnh, thành: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, có vốn đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng. Dự án dự sẽ khởi công quý IV/2023 và hoàn thành năm 2026.
Khi đường Vành đai 3 hoàn tất thì về cơ bản giao thông liên vùng của TP.HCM với các tỉnh lân cận được giải quyết, toàn bộ các đường cao tốc như TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; TP.HCM – Bến Lức – Long Thành; TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận; TP.HCM – Mộc Bài; TP.HCM – Biên Hòa – Vũng Tàu; TP.HCM – Bình Dương – Bình Phước được liên thông với nhau, tạo nên một mạng lưới giao thông đa cấp, liên hoàn.
Cùng đó, cần xây dựng 3 cây cầu là Cát Lái (nối TP.HCM – Đồng Nai), Cần Giờ (nối nội thành TP.HCM với huyện Cần Giờ), Thủ Thiêm 4 (TP.HCM – TP Thủ Đức). Ba cây cầu này có tổng vốn đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng.
Trong số này, cầu Cát Lái được coi là quan trọng nhất vì nó nối TP.HCM với Nhơn Trạch, vùng kinh tế mới mẻ và rất sôi động của Đồng Nai, cửa ngõ đến TP Vũng Tàu và các cảng.
Việc xây cầu Cát Lái được kỳ vọng bởi người dân, công nhân các khu công nghiệp không chỉ thoát cảnh “qua sông lụy phà” mà còn giúp kích thích phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực, đặc biệt là đưa Nhơn Trạch thoát khỏi tình trạng đóng băng, giải quyết bài toán khát đất của cả TP.HCM lẫn Đồng Nai.
Nó sẽ tạo ra một hiệu ứng phát triển dây chuyền của 3 tỉnh, thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cuối cùng là dồn sức để cho tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đi vào hoạt động. Tuyến metro số 1 không kỳ vọng làm thay đổi bức tranh giao thông công cộng ở TP.HCM, nhưng ít ra nó sẽ tạo ra sự hứng khởi để người dân đồng thuận với các chính sách của TP về giao thông đô thị.
TP.HCM cũng đang muốn đánh thức tiềm năng ở huyện Củ Chi, nơi mà quỹ đất còn tương đối dồi dào, dân cư thưa – cửa ngõ nối TP.HCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Sa Mát (Tây Ninh) giáp Campuchia. Cao tốc TP.HCM – cửa khẩu Mộc Bài và TP.HCM – cửa khẩu Sa Mát (xuyên qua Củ Chi) còn là thực hiện hóa chủ trương liên thông đường bộ ASEAN từ TP.HCM qua Campuchia, Lào, Thái Lan và Malaysia.